Thành công từ vụ nuôi đầu tiên
Đầu năm 2009, sau khi cải tạo ao đầm xong, ông Hoàng quyết định chọn 2 đầm với diện tích 6.000 m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng. Thông qua nguồn tôm giống từ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Cà Mau cung ứng, đầu tháng 3/2009 ông Hoàng bắt đầu thả con giống với mật độ 110 con/m2.
Trong quá trình sản xuất, từ khâu cải tạo ao đầm, chăm sóc đến khi thu hoạch, ông đều sử dụng men vi sinh ủ tại nhà để xử lý môi trường, từ đó hạn chế được chi phí sản xuất và sản xuất tôm sạch.
Theo ông Hoàng, nuôi tôm thẻ chân trắng chi phí đầu tư không nhiều so với tôm sú, nếu chọn được con giống sạch bệnh thì tôm thẻ chân trắng có thể dễ nuôi hơn.
Về đặc tính kỹ thuật, do mật độ nuôi cao nên đòi hỏi đáy ao của đầm nuôi tôm thẻ chân trắng phải sâu hơn đầm nuôi tôm sú từ 20-30 cm, đồng thời hệ thống giàn hoạt sụt khí phải dài hơn và hoạt động thường xuyên.
Sau 3 tháng chăm sóc với những lo toan từ vụ nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tiên, cuối tháng 5 vừa qua, ông Phạm Văn Hoàng đã thu hoạch với kết quả ngoài mong đợi: 5 tấn tôm nguyên liệu, tương đương năng suất 8 tấn/ha, tôm đạt trọng lượng 80 con/kg.
Tại thời điểm thu hoạch, thương lái mua với giá 50.000 đồng/kg. Kết quả vụ nuôi tôm này ông Phạm Văn Hoàng thu lợi nhuận 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Mặc dù còn mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với kết quả này, ông Phạm Văn Hoàng được đánh giá là một trong số ít những hộ đầu tiên đã thành công từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Cái Nước.
Cần một hướng đi cho tôm thẻ chân trắng
Được biết, huyện Cái Nước được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt vùng quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010 là 2.300 ha thay thế cho vùng nuôi tôm sú kém hiệu quả ở 7/11 xã, thị trấn. Thế nhưng qua một năm triển khai thực hiện, toàn huyện mới có 5 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên đầm nuôi tôm công nghiệp.
Do đây là đối tượng nuôi mới, nông dân chưa hiểu biết về đặc tính kỹ thuật, nuôi theo hình thức công nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu cho cải tạo ao đầm cao và nhiều lý do khác, nên tôm thẻ chân trắng xem ra còn xa lạ với nông dân huyện Cái Nước. Dè dặt và cẩn trọng với đối tượng nuôi mới có nhiều rủi ro do dịch bệnh mà ngành chuyên môn đã cảnh báo là hoàn toàn hợp lý.
Song, một nguyên nhân khác chi phối lớn đến sản xuất của nhân dân, làm cho tôm thẻ chân trắng không phát triển được trên vùng quy hoạch của huyện Cái Nước là do giá và đầu ra của sản phẩm không ổn định.
Chủ trương của tỉnh Cà Mau là khuyến khích nông dân chuyển đổi đối tượng nuôi mới thay thế cho vùng nuôi tôm sú kém hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần cung ứng nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh hoạt động. Thế nhưng giá và đầu ra của sản phẩm bấp bênh luôn là nỗi lo lắng của nông dân.
Nếu như giá và đầu ra ổn định, trong vụ thu hoạch vừa qua ông Phạm Văn Hoàng ở ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ không bị mất 10.000 đồng/kg. Qua đây cho thấy, nông dân vẫn là người chịu thua thiệt trong quá trình sản xuất.
Để mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng và nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Cà Mau phát triển ổn định, hơn lúc nào hết người nông dân rất cần sự quan tâm trợ giúp của Nhà nước và các ngành có liên quan. Trong mối quan hệ ấy chủ trương liên kết 4 nhà là đòi hỏi cấp bách và cần thiết.