Kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ năm của DOC về thuế chống bán phá giá đối với tôm NK từ Ấn Độ dựa vào bản phân tích toàn diện tình hình hoạt động của hai công ty XK tôm của Ấn Độ là Falcon Marine Exports và Apex Exports, từ đó tạm thời áp mức thuế 1,36% và 2,31%, lần lượt đối với hai công ty này.
Hiệp hội Xuất khẩu Thuỷ sản Ấn Độ (SEAI) cho biết, việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá NK tôm Ấn Độ từ 2,67% xuống 1,69% là một tín hiệu đáng mừng, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy XK thủy sản Ấn Độ.
Theo báo cáo của trang điện tử Hindu Business Line, thuế chống bán phá giá tôm NK từ Ấn Độ gần đây đã thúc đẩy XK tôm Ấn Độ sang Mỹ - hiện là thị trường NK tôm Ấn Độ lớn thứ hai sau EU. XK tôm Ấn Độ đã tăng mạnh 88% về khối lượng và 149% về giá trị trong giai đoạn từ tháng 4-12/2010, khiến doanh thu từ tôm chiếm hơn 48% tổng kim ngạch XK thủy sản của Ấn Độ.
XK thủy sản của Ấn Độ sang Mỹ tăng gần 50% về khối lượng và 110% về giá trị. XK thủy sản sang EU (thị trường NK chính của Ấn Độ) giảm gần 5% về khối lượng trong 9 tháng đầu của năm tài khóa này.
SEAI cho biết, hiện hầu hết các nhà XK Ấn Độ đều lo ngại về yêu cầu đóng ký quỹ cho Hải quan Mỹ trước khi XK. Khoản ký quỹ này chỉ được thanh toán sau 3 năm do vậy các nhà XK Ấn Độ sẽ liên tục phải đóng ký quỹ trong 3 năm với tổng số tiền trên 100 triệu USD. Yêu cầu đóng ký quỹ của Mỹ là một trở ngại lớn đối với các nhà XK nhỏ của Ấn Độ.
Trong tháng 12/2010, Trung tâm Thương mại Quốc tế và Phát triển bền vững (ICTSD) cho biết, DOC đã đề xuất chấm dứt áp dụng phương pháp quy về không (zeroing) trong các đợt xem xét hàng năm đối với các biện pháp chống bán phá giá để tránh bị các đối tác thương mại trả đũa. Đề xuất này – vẫn trong giai đoạn trưng cầu dân ý – đã vấp phải sự phản đối từ một số nhà làm luật và một số giới chức trong ngành.
Trung Quốc đang kiện thuế chống bán phá giá của Mỹ áp dụng từ năm 2005. Ban đầu Mỹ áp mức thuế từ 27% đến 82% đối với Trung Quốc nhưng sau đó đã giảm xuống từ 5% đến 8% sau khi Trung Quốc thắng kiện Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ (USITC).
Tuy vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn cho rằng mức thuế mà Mỹ áp dụng vi phạm quy định của WTO và ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà sản xuất tôm Trung Quốc.
Trong tháng 4 tới, USITC sẽ tiến hành biểu quyết về có tiếp tục áp thuế NK tôm thêm 5 năm nữa hay không.
Tháng trước, USITC đã tổ chức một cuộc điều trần để quyết định có nên dùng thuế chống bán phá giá tôm NK nhằm bảo hộ ngành tôm trong nước vừa bị tổn hại bởi vụ tràn dầu ở vịnh Mêhicô và các thiên tai khác hay không.
KT