Thời gian qua, trại giống thủy sản Bắc Kạn đã nghiên cứu thực hiện thành công việc sinh sản nhân tạo các loại cá trắm, trôi, mè, chép… Mới đây, trại giống đã thành công trong việc nuôi cá trắm trong ao nước chảy. Ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng Trại giống thủy sản - cho biết: Trại nuôi thử nghiệm với diện tích 300m2 mặt nước có lưu thông, tổng số cá thả là 900 con trắm cỏ, trọng lượng trung bình 0,07 kg/con, thời gian thả khoảng đầu tháng 3. Trước khi thả cá tiến hành dọn ao sạch sẽ, tẩy vôi với liều lượng 10 kg/100m2. Sau khi thả cá, tiến hành treo túi vôi ở bốn góc ao nhằm tiêu diệt địch hại. Hàng ngày cho cá ăn các loại cỏ với khẩu phần bằng 30 - 40% trọng lượng cá trong ao, thức ăn không sử dụng hết phải vớt hết tránh làm ô nhiễm nguồn nước. Lượng nước thay đổi hàng ngày bằng 1/3 - 2/3 khối lượng nước trong ao để không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ thức ăn cũng như tốc độ sinh trưởng của cá. Sau 8 tháng nuôi, kết quả rất khả quan, số lượng cá thu hoạch đạt 703 con, trọng lượng trung bình từ 1 - 1,3 kg/con, tổng sản lượng đạt 800 kg, năng xuất đạt 26,6 tấn/ha. Nếu nguồn nước dồi dào, cá giống lớn từ 0,2 - 0,3 kg/con thì sau 8 tháng, cá thương phẩm sẽ đạt tới 1,8 - 2,0 kg/con.

Cá trắm cỏ là loài cá nước ngọt, thuộc họ cá chép (Cyprinidae). Mình thuôn dài, tiết diện thân tròn. Đầu ngắn, miệng rộng, hàm dưới hơi thụt vào, mép không râu. Họng có 2 hàng răng hầu phát triển, hình lưỡi cưa. Vây không có gai cứng. Toàn thân phủ vảy tròn khá to, màu xanh phớt vàng, bụng trắng vàng, lưng xám xanh. Sống ở tầng giữa và đáy. Nhanh nhẹn, hay kết đàn. Chủ yếu ăn thực vật (cỏ, rau), nuôi ở ao có thể cho ăn thêm cám, thức ăn tổng hợp.
Bắc Kạn có nhiều khe suối, thung lũng rất dễ đắp đập ngăn, tạo thành ao, hồ để nuôi cá. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn xanh cũng rất phong phú, rất thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá trắm cỏ. Do đó, với mô hình nuôi các trắm cỏ trong ao nước chảy của TGTS sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân trong tỉnh.
Hà Ngọc