Bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu là bài thơ quan trọng trong chương trình học 12 và có trong kì thi trung học phổ thông quốc gia. Chính vì vậy học sinh cần phải hiểu rõ trước hết là soạn bài Việt Bắc phần 1 để có hiểu biết về tác giả. Người đứng sau bản tình ca tha thiết giữa kẻ ở người đi và là khúc hùng ca ca ngợi về kháng chiến vĩ đại.
Câu 1: Nêu vài nét về tác giả Tố Hữu (trang 99 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
- Tố Hữu: sinh năm 1920.
- Tên thật: Nguyễn Kim Thành
- Quê quán: Ở làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế
- Thân sinh: Là nhà nho nghèo.
- Thân mẫu: Là con gốc nhà nho, có giọng hát dân ca rất hay.
=> Cả gia đình có truyền thống yêu thơ ca và dành tình yêu lớn cho văn học dân gian.
Thời thơ ấu: Năm 13 tuổi, ông học trường Quốc Học ở Huế, cùng đất học cố đô sinh ra và dạy dỗ lên những con người tài hoa.
Thời thanh niên: Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và tham gia hoạt động đấu tranh sôi nổi như:
- Năm 1938: Ông kết nạp Đảng.
- Vào cuối tháng 4 năm 1939: Ông bị thực dân Pháp bắt giam.
- Tháng 3 năm 1942: Vượt ngục và ra Thanh Hoá tiếp tục hoạt động cách mạng.
- Tháng 8 năm 1945: Làm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Huế.
- Năm 1947: Ông ở Thanh Hoá, sau đó lên Việt Bắc công tác ở cơ quan Trung ương Đảng, phụ trách phần mặt trận văn hoá văn nghệ cho binh đoàn.
- Trong hai cuộc kháng chiến lớn đến tận năm 1986: Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước ta.
- Năm 1996: Được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.
- Năm 2002: ông qua đời.
Câu 2: Những tác phẩm tiêu biểu của thơ ca Tố Hữu (trang 99 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng thời kì chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam. Các bài đường thơ của ông luôn gắn liền với phản ánh chặng đường cách mạng đầy gian khổ nhưng cũng nhiều niềm vui thắng lợi của dân tộc, đồng thời quá trình này cũng là chặng đường vận động quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật lớn của chính nhà thơ.
Cùng điểm qua con đường song hành của nhà thơ giữa cách mạng và dân tộc trong những tác phẩm dưới đây”.
Tập thơ Từ ấy (1937 – 1946)
Đây là tập thơ đánh dấu chặng đường 10 năm đầu tiên trong đời thơ Tố Hữu, từ giác ngộ, khó khăn trong nhiều thử thách đến bước đầu trưởng thành của người thanh niên cách mạng khi đi theo lý tưởng của Đảng.
- Sáng tác với phong cách máu lửa trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, cảm thông sâu sắc những người nghèo, yêu thương người yếu thế, tập thơ khơi ngọn lửa đấu tranh trong quần chúng
- Phá bỏ xiềng xích trong tâm hồn khi sáng tác ở nhà lao, thể hiện sự yêu đời tha thiết, theo đuổi tự do, ý chí quật cường và quyết tâm chiến đấu của người chiến sĩ.
- Từ ngày vượt ngục đến giải phóng: ca ngợi thắng lợi cách mạng, cổ vũ độc lập tự do của Tổ Quốc
Tập thơ Việt Bắc (1946 – 1954)
Đánh dấu chặng đường hoạt động sôi nổi của tác giả trong thời kháng chiến chống Pháp tuy gian lao nhưng cũng hết sức hùng tráng của toàn quân toàn dân ta.
- Bản hùng tráng thiết tha, gợi nhớ về cuộc kháng chiến chống Pháp và những con người không bao giờ quên trong kháng chiến.
- Thể hiện tình cảm lớn: tình quân dân, tình đồng bào đồng chia quyến luyến sâu sắc, tiền phương với hậu phương, miền xuôi với miền ngược, ta và người,…
Tập thơ Gió lộng (1955-1961)
Tập thơ là niềm hân hoan, vui sướng, bộc lộ niềm tự hào của con người khi làm chủ đất nước, thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng khi miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước.
- Ghi nhớ quá khứ ân tình, thủy chung son sắc giữ người kháng chiến với đồng bào
- Ngợi ca cuộc sống miền Bắc tuy gian khổ nhưng đồng cam cộng khổ có nhau.
- Tình cảm thiết tha, sâu nặng với miền Nam ruột thịt giữa hậu phương và tiền tuyến.
- Lời thơ mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn đậm nét.
Tập thơ Ra trận (1962-1971)
Là bản anh hùng ca về miền Nam trong thời kì kháng chiến, là khúc ca ra trận không ngần ngại tang thương chết chóc, là mệnh lệnh tấn công với khí thế ngập trời của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tập thơ Máu và hoa (1972-1977)
Ghi lại chặng đường cách mạng đấu tranh gian khổ và hy sinh, khẳng định niềm tin, sự tự hào vào sức mạnh của nhân dân, chiến thắng vẻ vang khi đất nước hoàn toàn giải phóng.
Tập thơ Một tiếng đờn (1992)
Sáng tác khi đất nước đổi mới bày tỏ những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời của Tố Hữu hướng đến những giá trị bền vững về sau.
Ta với ta (1999)
Niềm tin, cổ vũ tinh thần vào lý tưởng chiến đấu và con đường cách mạng mà Đảng ta dẫn dắt bao năm qua.
Phong cách thơ của Tố Hữu
- Có tính sử thi anh hùng.
- Mang đậm chất trữ tình chính trị sâu sắc.
- Giọng thơ mang chất tâm tình tự nhiên, quyến luyến, đằm thắm mà chân thành
- Nghệ thuật thơ mang tính dân tộc đậm đà.
Ý nghĩa của những tập thơ
- Thơ Tố Hữu là bản soi chiếu tấm gương sáng trong tâm hồn của người chiến sĩ cách mạng dành cả đời chiến đấu bằng ngòi bút, hy sinh thân mình vì tương lai tươi đẹp của Tổ quốc, khao khát cuộc sống hạnh phúc của con người, đây cũng chính là tấm gương phản chiếu tâm hồn dân tộc, đời sống dân tộc trên con đường đi theo sự nghiệp của cách mạng.
- Thơ Tố Hữu là bằng chứng chắc chắn, sinh động giữa sự kết hợp hài hòa hai yếu tố cách mạng và dân tộc trong nghệ thuật sáng tạo thi ca.
- Qua phong cách thơ Tố Hữu đã thể hiện, ta thấy một thành tựu xuất sắc của thơ ca trong cách mạng, một nền thơ luôn cổ vũ, coi vận mệnh của dân tộc là lẽ sống lớn nhất của cuộc đời.
Câu 3: Giải thích vì sao thơ Tố Hữu mang chất đậm tình chính trị (trang 100 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
Biểu hiện tâm hồn: Hồn thơ Tố Hữu luôn hướng đến cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui to lớn của mỗi con người cách mạng và của cả một dân tộc Việt.
- Tình cảm lớn: Thể hiện trong tình yêu lý tưởng của “Từ ấy”, tình cảm kính yêu lãnh tụ cách mạng trong “Sáng tháng năm”, tình cảm đồng bào với đồng chí trong quân dân ta thể hiện ở “Cá nước”, tình yêu quốc tế vô sản to lớn trong “Em bé Triều Tiên”.
- Niềm vui lớn: Niềm vui mang trong những chiến thắng của dân tộc thể hiện ở tập thơ: Huế tháng Tám, Toàn thắng về ta, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Miêu tả đời sống: Thơ Tố Hữu mang đậm tính chất sử thi. Luôn đề cập đến những sự kiện có ý nghĩa chính trị của đất nước và mang tính chất toàn dân, đây là cảm hứng sáng tác lớn nhất cho thơ Tố hữu
- Đất nước trong công cuộc xây dựng đổi mới ở “Bài ca mùa xuân 1961”.
- Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ là cả nước ta ra trận đánh Mỹ trong “Chào xuân 67”.
Cảm hứng chủ đạo của các tập thơ: Là cảm hứng lịch sử dân tộc, tư tưởng lớn của thời đại chứ không phải là cảm hứng của thế sự – đời tư.Con người trong thơ Tố Hữu là con người của sự nghiệp chung, sứ mệnh chung, mang trong họ phẩm chất tiêu biểu đại diện cho cả dân tộc, mang tầm vóc lịch sử và thời đại tiêu biểu là:
- Anh vệ quốc quân trong “Lên Tây Bắc”.
- Anh giải phóng quân trong “Tiếng hát sang xuân”.
- Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi trong “Hãy nhớ lấy lời tôi”.
- Nữ anh hùng Trần Thị Lý trong “Người con gái Việt Nam”.
Giọng thơ mang chất tâm tình, ngọt ngào, thương mến, rất tự nhiên, đằm thắm và chân thành:
- Nguyên do là nhà thơ xuất phát từ tâm hồn của người con xứ Huế.
- Do quan niệm xuyên suốt trong sáng tác của nhà thơ “Thơ là chuyện đồng điệu…”.
Câu 4: Giải thích tính nghệ thuật trong thơ Tố Hữu (trang 100 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
Tính dân tộc trong hình thức nghệ thuật Tố Hữu biểu hiện qua các phương diện cơ bản sau:
Về thể thơ: Tác giả đặc biệt sử dụng thành công trong những thể thơ truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay.
- Thể thơ lục bát ca dao và lục bát cổ điển trong hàng loạt tập thơ: Khi con tu hú,Bầm ơi, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du…
- Thể thơ thất ngôn trong: Mẹ Tơm, Quê mẹ, Bác ơi, Theo chân Bác…mang chất dạt dào âm hưởng và nghĩa tình của hồn thơ dân tộc Việt Nam.
Về ngôn ngữ:
- Tố Hữu thường sử dụng những từ ngữ, những cách nói quen thuộc mộc mạc, giản dị, thiết tha chân thành với dân tộc.
- Phát huy cao độ trong tính nhạc, sử dụng tài tình các từ láy, các thanh điệu thơ ca, các vần thơ hài hòa,….
Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan,
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.
(Em ơi Ba Lan)
Thác, bao nhiêu thác cũng qua,
Thênh thênh là chiếc thuyền ta trên đời.
(Nước non ngàn dặm)
Phần luyện tập
Bài 1 (trang 100 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
Đề bài: Phân tích đoạn thơ mở đầu bài thơ “Khi con tu hú”
Khi con tu hú là bài thơ Tố Hữu sáng tác trong tù lúc bị bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên. Với khổ thơ đầu nói lên bức tranh thiên nhiên tươi đẹp khi thời khắc chuyển mùa đang tới và đây cũng là nỗi lòng, tâm trạng của người chiến sĩ cách mạng khi đang hăm hở, sôi nổi chiến đấu chống lại quân thù thì bỗng bị giam trong bốn bức tường và song sắt. Giữa thiên nhiên thì rộng lớn, muôn màu tươi đẹp nhưng người chiến sĩ càng bức bối hơn khi bị giam cầm, siết chặt tự do.
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào”
Nhà thơ Tố Hữu đã bắt đầu bài thơ bằng tiếng chim tu hú gọi bầy vang lên bỗng đánh thức tất cả mọi sự sôi động về cuộc sống bên ngoài nhà giam. Không chỉ gây ấn tượng cho người đọc mà còn là sự thức tỉnh của người chiến sĩ Đây là dấu hiệu của mùa hè đã đến, mùa trái cây vải rộ lên ở những nước nhiệt đới. Những hình ảnh thiên nhiên được Tố Hữu chọn lọc vô cùng đẹp như là: lúa chiêm và trái cây, tất cả chúng đều ở trạng thái “đang chín, ngọt dần”. Những hình ảnh thơ tiếp theo thân thuộc mộc mạc như “vườn râm, tiếng ve ngân, bắp rây, sân Một bức tranh thiên nhiên mùa hè được vẽ rất hoàn hảo, tuyệt đẹp, có sự hòa quyện giữa âm thanh và sắc màu tươi đẹp mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Khi vang lên những câu thơ đầu tiên, trong lòng người đọc sẽ cảm tưởng như âm thanh của tiếng chim tu hú, và tiếng ve ngân bên tai. Cũng như thấy được màu sắc của lúa đang chín vàng, trái cây sắp được thu hoạch, màu xanh tươi tốt của vườn râm yên bình, màu đào của nắng và màu vàng rực rỡ của ngô. Giữa không gian mênh mông bên ngoài ấy là sự sống tươi đẹp vẫy gọi, xóa tan đi nỗi ngột ngạt, bí bách cô đơn của người tù cộng sản nhiệt huyết, yêu nước. Tiếng chim và hình ảnh về sự sống xóa tan những buồn tủi, bứt rứt không thôi trong hoàn cảnh của tác giả. Cảm nhận tinh tế của người tù cách mạng đã hướng ra sự sống tươi đẹp trước bức tranh của sự tự do thiên nhiên trong lành. Từ việc miêu tả ngoại cảnh bên ngoài song sắt, tác giả bộc trực cảm xúc trong sáng, nhiệt thành không bao giờ phai của mình qua những câu thơ giàu sức sáng tạo và tưởng tượng.
Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài thơ “Từ ấy” – Tố Hữu
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
- “Từ ấy”: là mốc thời gian mang tính bước ngoặt, đánh dấu chặng đường dài mà nhà thơ đi tìm lẽ sống, giác ngộ lý tưởng của Đảng Cộng sản.
- “Bừng nắng hạ”: tác giả sử dụng động từ mạnh “bừng” thể hiện cái nắng chói chang, rực rỡ vàng ươm của mùa hè. Bừng cũng có thể hiểu là sự giác ngộ về chân lý sống trong lòng nhà thơ.
- Hình ảnh thơ: chói qua tim, hồn tôi, một vườn hoa lá, đậm hương và rộn tiếng chim. Một thế giới tràn đầy sức sống có hương, có hoa, có lá, có chim hót vui tai nói lên sự yêu đời của tác giả.
- Chân lý: là những điều đúng đắn và được mọi người công nhận, đây cũng là hình ảnh ẩn dụ cho lý tưởng cách mạng. Lí tưởng của tác giả lúc ấy là nguồn sáng bất diệt, làm chói sáng lên tâm hồn, trí tuệ của Tố hữu.
- Nghệ thuật: sử dụng biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ
=> Khổ thơ lột tả hết niềm vui sướng, hạnh phúc tột cùng của tác giả khi tìm thấy con đường lý tưởng cách mạng của Đảng.
Bài 2 Giải thích, phân tích và chứng minh (trang 100 sgk Ngữ văn 12 tập 1)
Trước hết là giải thích: Khẳng định ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu là hoàn toàn đúng đắn, nó nhấn mạnh một đặc điểm lớn của thơ Tố Hữu mà không nhà thơ nào trộn lẫn vô được đó chính là: thơ của Tố Hữu mang đậm tính trữ tình – chính trị.
Phân tích và chứng minh làm rõ quan điểm này:
- Thơ chính trị là quan tâm đến những vấn đề có tính lịch sử, thời sự, có tính toàn dân, quan hệ mật thiết tới vận mệnh sống còn của cả một dân tộc, một quốc gia. Thơ chính trị của Tố Hữu rất quan tâm tới con người, làm thơ để phục vụ cho cách mạng, đặt con người độc lập trong mối quan hệ với cộng đồng, cái ta riêng với cái tôi chung, với những tình cảm của cá nhân theo lí tưởng Đảng
- Thơ Tố Hữu cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, cảm hứng sáng tác luôn đề cập đến những vấn đề lớn lao, cấp bách của đất nước. Hơn thế nữa thơ Tố Hữu còn phản ánh từng chặng đường lịch sử của dân tộc, thấu cảm và ca ngợi khí thế hào hùng của cách mạng dân tộc Việt.
- Thơ Tố Hữu vẫn là những dòng thơ hô hào, xoáy sâu vào cổ động, cổ vũ phong trào cách mạng của dân tộc ta, thể hiện nhiệt huyết sục sôi trẻ trung của người chiến sĩ trong thời kì kháng chiến đánh đuổi đế quốc.
- Trong thơ của Tố Hữu, chính trị lúc này không mang nặng những lời thuyết suông, giáo điều, khô khan, không phải là lời hô hào mang tính áp đặt, ép buộc nhân dân làm theo. Tố Hữu đã khéo léo chuyển hóa điều đó thành những vấn đề tình cảm, cảm hứng nghệ thuật mang đậm chất trữ tình.
- Đó còn là lời tâm sự thủ thỉ chân thành của người chiến sĩ trẻ yêu nước khi bắt gặp lý tưởng cách mạng và nguyện hi sinh thân mình chiến đấu vì lý tưởng đó.
- Những lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, trò chuyện tâm sự chan chứa niềm tin, yêu thương đồng bào, Tố hữu đã dùng lời thơ ngắn gọn tác động mạnh mẽ tới tình cảm, cảm nghĩ lắng đọng của người đọc, người nghe. Đó cũng là sự kế thừa tuyệt vời từ phong cách thơ cách mạng của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,…
- Đặc biệt, trong thơ Tố Hữu có những vần thơ viết riêng về Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu với những tình cảm chân thành và xúc động. Đó cũng là tiếng lòng biết ơn, yêu thương, thay lời muốn nói của cả dân tộc dành cho Người. Điều này được thể hiện qua các bài thơ Sáng tháng Năm, Hồ Chí Minh, Bác ơi,…
- Giọng thơ Tố Hữu mang sự thiết tha, ngọt ngào, đây là giọng đặc trưng của tình thương mến trữ tình của người dân xứ Huế.
Tổng kết
Đây là toàn bộ kiến thức cần soạn ở phần 1 bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Bạn hãy đọc là tìm hiểu thật kĩ nhé! Chúc bạn học tốt.