Nhắc đến Lượm, người đọc sẽ nghĩ ngay đến bài thơ nói về chú bé giao liên của Tố Hữu sáng tác vào năm 1949, đây là thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa . Bài thơ miêu tả về hình ảnh chú bé Lượm với tính cách hồn nhiên, nhí nhảnh, yêu đời. Dù còn khá nhỏ tuổi nhưng lòng dũng cảm hy sinh vì đất nước của chú bé khiến nhiều người phải thật sự nể phục. Để tưởng nhớ chú bé Lượm bài thơ đã được đưa vào chương trình văn học lớp Sáu, kỳ Hai. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để hiểu rõ hơn vị anh hùng Lượm là ai nhé!
Đôi nét về tác giả bài thơ Lượm – Nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành ( 1920-2002), ông sinh ra ở Huế và mất tại Hà Nội. Ông được sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo và bắt đầu làm thơ khi mới lên 6,7 tuổi. Những bài thơ của ông sáng tác được đăng lên các mặt báo từ năm 1937-1938.
Năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt và giam giữ. Năm 1942, ông vượt ngục và bắt đầu lại công việc sáng tác.
Năm 1945, ông lãnh đạo cách mạng ở Huế. Sau cách mạng Tố Hữu trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và nhà nước. Sau đó ông trở thành nhà thơ lớn của nền văn học nước nhà.
Năm 1954-1955, nhà thơ đã nhận được giải thưởng văn học hội văn nghệ Việt Nam.
Năm 1996, ông nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và giải thưởng Asean
Những tác phẩm nổi tiếng của Tố Hữu
Tố Hữu được mệnh danh là nhà thơ của cách mạng, nhà thơ của nhân dân. Ông đã thổi hồn vào thơ chính trị đến trình độ rất trữ tình. Những tác phẩm của ông là những bài ca cách mạng, phản ánh một cách chân thực các giai đoạn lịch sử của dân tộc, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình. Thơ ông còn mang tính tư tưởng cao, sức động viên và lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà. Những tác phẩm nổi tiếng gắn liền tên tuổi của ông phải nhắc đến như:
- Từ ấy (thơ, năm 1946)
- Việt Bắc (thơ, năm 1954)
- Gió lộng (thơ, năm 1961)
- Ra trận (thơ, năm 1972)
- Máu và hoa (thơ, năm 1977)
- Một tiếng đờn (thơ, năm 1992)
- Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta (tiểu luận, năm 1973)
- Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (tiểu luận, 1981), Nhớ lại một thời (hồi kí, năm 2000)
Bài thơ Lượm
Ngày Huế đổ máu,
Chú Hà Nội về,
Tình cờ chú cháu,
Gặp nhau Hàng Bè.
Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…
“Cháu đi liên lạc,
Vui lắm chú à.
Ở đồn Mang Cá,
Thích hơn ở nhà!”
Cháu cười híp mí,
Má đỏ bồ quân:
“Thôi, chào đồng chí!”
Cháu đi xa dần…
Cháu đi đường cháu,
Chú lên đường ra,
Ðến nay tháng sáu,
Chợt nghe tin nhà.
Ra thế,
Lượm ơi!
Một hôm nào đó,
Như bao hôm nào,
Chú đồng chí nhỏ,
Bỏ thư vào bao,
Vụt qua mặt trận,
Ðạn bay vèo vèo,
Thư đề “Thượng khẩn”,
Sợ chi hiểm nghèo!
Ðường quê vắng vẻ,
Lúa trổ đòng đòng,
Ca-lô chú bé,
Nhấp nhô trên đồng…
Bỗng loè chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
Một dòng máu tươi!
Cháu nằm trên lúa,
Tay nắm chặt bông,
Lúa thơm mùi sữa,
Hồn bay giữa đồng.
Lượm ơi, còn không?
Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh.
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng…
Chi tiết về nhân vật Lượm
Lượm tên thật là gì?
Tuy tên thật của Lượm là gì không ai biết nhưng hình ảnh của Lượm lại không phải chỉ riêng một con người nào cả. Tố Hữu đặt hình ảnh chú bé Lượm trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt, những ngày cách mạng bùng nổ ở Huế. Tác giả đã thành công khi xây dựng hình tượng em bé tuổi thiếu niên làm công tác liên lạc trong chiến tranh.
Lượm là ai?
Lượm là một cậu bé nhỏ tuổi, đảm nhận công việc liên lạc. Lượm rất hồn nhiên, vui tươi, yêu đời, có tinh thần làm việc hăng say. Ngoài ra cậu còn có lòng dũng cảm không ngại khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Với hình ảnh nhỏ nhắn, vừa mang trên vai một chiếc túi và chiếc mũ ca nô vừa chạy nhảy vui tươi trên cánh đồng, có thể thấy chú bé thật vô cùng đáng yêu.
Hình ảnh nhân vật Lượm được thể hiện trong bài thơ
Với Lượm, được đi chiến đấu là “vui”, là “thích”. Chú bé là một thiếu niên “”tuổi nhỏ chí cao”: “Cháu đi liên lạc – Vui lắm chú à – Ở đồn mang Cá – Thích hơn ở nhà!”. Hầu như mọi người ai cũng yêu, cũng quý cái cười ngây ngô, dễ thương của chú bé liên lạc: “Cháu cười híp mí – Má đỏ bồ quân”.
Việc liên lạc là một việc khá khó khăn đòi hỏi phải có tính bảo mật cao để không bị lộ thông tin ra bên ngoài. Nhưng đối với chú bé Lượm lại bộc lộ ra vẻ hồn nhiên và vô tư , không một chút sợ sệt. Hằng ngày, giữa hàng ngàn tiếng bom đạn chú vẫn làm việc đều đặn và hăng say, yêu đời đến lạ thường.
Cái chết của Lượm quá bất ngờ khi chú bé đi làm liên lạc, bị bom đạn rơi ngay trên con đường quen thuộc mà chú vẫn thường đi ngang qua. Hình ảnh Lượm nằm xuống giữa cánh đồng lúa bát ngát “Cháu nằm trên lúa/ Tay nắm chặt bông/ Lúa thơm mùi sữa/ Hồn bay giữa đồng”…khiến ai cũng phải ngậm ngùi, xót thương.
Với sự kết hợp hài hòa giữa các vần thơ cùng nhịp điệu thay đổi một cách linh hoạt, Tố Hữu đã xây dựng được hình ảnh chú bé Lượm với những phẩm chất đáng quý. Qua đó tác giả thể hiện niềm yêu mến, cũng như sự xót xa trước sự hi sinh của Lượm.
Lượm có phải là Kim Đồng – một thiếu niên dũng cảm?
Theo như mô tả của tác giả Tố Hữu, chú bé Lượm không phải là Kim Đồng. Kim Đồng (1929 – 1943) là bí danh của Nông Văn Dền, một thiếu niên người dân tộc Nùng thuộc tỉnh Cao Bằng. Kim Đồng là Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên nhi đồng cứu quốc làng Nà Mạ, thành lập ngày 15/05/1941. Cậu đảm nhận công việc liên lạc và cũng đã hy sinh anh dũng trong lúc làm nhiệm vụ. Kim Đồng cũng là một trong những ký ức tuổi thơ dữ đội của biết bao thế hệ người Việt.
Tổng kết
Qua bài viết trên, các bạn đã biết được Lượm là ai và câu chuyện cảm động về cậu thiếu niên nhỏ tuổi này. Sự hi sinh của Lượm vì đất nước là kỉ niệm mãi không phai trong lòng người dân Việt Nam. Cậu trở thành tấm gương sáng để các cháu bé noi theo và cho đến tận ngày hôm nay tấm gương ấy vẫn còn tỏa sáng. Đừng quên theo dõi Tinhhoabacbo để cập nhật những thông tin hay mỗi ngày nhé!