Danh từ chính là khái niệm cơ bản trong hệ thống ngữ pháp Việt Nam. Trong một câu, danh từ đóng một vai trò rất quan trọng khi nó giúp cho người đọc, người nghe xác định được đối tượng và sự việc được hướng tới. Vậy danh từ là gì? Hãy cùng tìm hiểu thông tin chi tiết các kiến thức xung quanh về danh từ thông qua nội dung được chia sẻ trong bài viết dưới đây.
Định nghĩa danh từ là gì?
Danh từ là những từ dùng trong câu để gọi tên khái niệm, sự vật, hiện tượng. Đây là một trong những từ loại phổ biến nhất của tiếng Việt. Danh từ đã không ngừng biến đổi cũng như gia tăng về số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Chúng ta tiếp xúc với danh từ hàng ngày, ở trong mọi lĩnh vực của đời sống để giao tiếp và trao đổi thông tin với nhau.
Danh từ có chức năng gì?
Cụ thể, danh từ được sử dụng với các mục đích như sau:
- Kết hợp với từ chỉ số lượng ở đằng trước và từ chỉ định lượng ở đằng sau hoặc một số từ loại khác để tạo nên cụm danh từ.
- Đảm nhận nhiều chức năng như làm chủ ngữ, vị ngữ hay tân ngữ cho ngoại động từ.
- Dùng để mô tả hoặc xác định vị trí của vật trong một thời gian hoặc không gian xác định.
Các loại danh từ trong tiếng Việt
Có nhiều khái niệm cũng như cách phân chia danh từ trong tiếng Việt như danh từ chung, danh từ riêng hoặc danh từ chỉ sự vật, khái niệm, hiện tượng… Tuy nhiên, về cơ bản trong Tiếng Việt chia thành 2 loại chính gồm danh từ chỉ sự vật và danh từ chỉ đơn vị.
Danh từ chỉ sự vật
Danh từ chỉ sự vật sẽ mô tả tên gọi, bí danh, địa danh, đồ vật… Trong mục này chia thành 2 loại chính, bao gồm danh từ chung và danh từ riêng.
Danh từ riêng
Là danh từ chỉ tên gọi, tên đường, tên địa điểm, một sự vật hay sự việc, được xác định cụ thể. Ví dụ như Hồ Chí Minh, Quốc Tử Giám, Núi Bà Đen, Phú Yên… Loại danh từ này có tính đặc trưng và tồn tại duy nhất.
Danh từ chung
Là tên gọi hay mô tả một sự vật, sự việc có tính bao quát với nhiều nghĩa mà không chủ ý nói một việc cụ thể, xác định duy nhất nào. Danh từ chung được chia thành 2 loại gồm:
- Danh từ cụ thể: Loại danh từ này chỉ sự vật mà chúng ta có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan như tai, mắt,… Ví dụ như nắng, tuyết, điện thoại, mùi,…
- Danh từ trừu tượng: Những thứ con người không thể cảm nhận bằng 5 giác quan được xếp vào loại danh từ trừu tượng. Ví dụ như ý nghĩa, tinh thần,…
Danh từ chỉ đơn vị
Loại danh từ này cũng được dùng để chỉ sự vật nhưng có thể xác định được chi tiết số lượng, trọng lượng hoặc ước lượng. Loại danh từ này rất đa dạng và được phân chia thành các nhóm nhỏ, cụ thể:
- Danh từ chỉ đơn vị tự nhiên: Đơn vị tự nhiên chính là loại đơn vị thường sử dụng trong giao tiếp, mang ý chỉ số lượng con vật, đồ vật,…Nó còn được gọi là danh từ chỉ loại. Ví dụ: Con, sợi, miếng, cái, cây, hòn, cục…
- Danh từ chỉ đơn vị chính xác: Danh từ xác định trọng lượng, thể tích, kích thước có độ chính xác tuyệt đối. Ví dụ như kg, lít, hecta, tấn, tạ,…
- Danh từ chỉ thời gian: Danh từ thời gian ở đây bao gồm thế kỷ, thập kỷ, năm, quý, tháng, ngày, giờ, phút, giây,…
- Danh từ chỉ đơn vị ước lượng: Là loại danh từ không xác định chính xác được số lượng cụ thể. Dùng để đếm hay tính bao quát các sự vật tồn tại dưới dạng tổ hợp, tập thể, ví dụ như tổ, nhóm, bó, đàn,…
- Danh từ chỉ tổ chức: Chỉ tên những tổ chức hay đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, phường, thôn, khu phố,…
Danh từ chỉ khái niệm
Loại danh từ này không mô tả trực tiếp một sự vật hay sự việc nào cụ thể mà mô tả chúng dưới dạng nghĩa trừu tượng. Các khái niệm này được sinh ra và tồn tại trong nhận thức và ý thức của con người. Hay nói cách khác, các khái niệm này không hề tồn tại trong thế giới thực, đôi khi còn xem là tâm linh, không thể cảm nhận trực tiếp được bằng các giác quan.
Danh từ chỉ hiện tượng
Là các danh từ chỉ hiện tượng do thiên nhiên sinh ra hoặc do con người tạo ra trong môi trường không gian và thời gian. Danh từ chỉ hiện tượng được chia thành các nhóm nhỏ như sau:
- Hiện tượng tự nhiên: Ví dụ như gió, mưa, sấm sét, bão, lũ,… Không có tác động từ ngoại lực và chỉ do tự nhiên sinh ra.
- Hiện tượng xã hội: Ví dụ như sự nghèo khổ, giàu sang, chiến tranh, nội chiến,… Đây đều là những sự việc, hiện tượng hình thành do con người.
Cụm danh từ là gì?
Cụm danh từ chính là tổ hợp chung, được tạo thành bởi danh từ kèm theo một số từ ngữ khác phụ thuộc vào nó. Cụm danh từ mang một ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn và có cấu tạo phức tạp hơn nhưng lại được dùng trong câu như một danh từ đơn.
Kết cấu của cụm danh từ gồm có: Phần trước – phần trung tâm – phần sau.
Trong đó: Những phụ ngữ ở phần trước mang nhiệm vụ bổ sung ý nghĩa cho danh từ (ở phần trung tâm) về mặt số lượng. Các phụ ngữ ở phần sau sẽ thể hiện đặc điểm cho sự vật mà danh từ đang biểu thị hoặc mô tả, hay cũng có thể xác định vị trí của sự vật trong phạm vi thời gian và không gian xác định.
Ví dụ: 2 bông hoa, ngày hôm ấy, con đường này, …
Phân biệt danh từ với động từ và tính từ trong tiếng Việt?
Danh từ, động từ và tính từ đều là những thành phần rất quan trọng trong ngôn ngữ. Chúng đảm nhận các chức năng khác nhau. Cụ thể như sau:
- Danh từ: Được dùng trong câu để chỉ các đối tượng cụ thể, có thể là con người hay sự việc, hiện tượng,…
- Động từ: Được dùng để mô tả một hành động hoặc trạng thái của con người, của sự vật.
- Tính từ: Được dùng để mô tả về tính chất, đặc điểm, màu sắc đặc trưng… của con người, sự vật hay hiện tượng.
Mong rằng với những chia sẻ chi tiết trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ danh từ là gì, tổng hợp các kiến thức chung về danh từ cũng như cách phân biệt chúng với một số từ loại khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp nào cho bài viết, hãy để lại nhận xét bằng cách bình luận phía dưới để Tinh Hoa Bắc Bộ giải đáp nhanh nhất nhé.