“Thuồng luồng” có lẽ là cái tên gây sợ hãi và ám ảnh nhất mỗi khi những đứa trẻ nghe thấy. Đó là con vật được các mẹ, các bà đem ra để dọa dẫm con cháu nếu chúng không chịu nghe lời hoặc làm sai điều gì đó như “Cháu mà về đi chơi về muộn thì con thuồng luồng ngoài sân sẽ rình cháu ăn thịt”, “Con không chịu học bài thì thuồng luồng sẽ đến bắt cóc con đi”,…
Mặc dù cách giáo dục con trẻ bằng phương pháp này không hề đúng và bị phản đối gay gắt trong xã hội hiện đại ngày nay, nhưng câu hỏi “thuồng luồng là con gì?” vẫn là thắc mắc của nhiều người. Bài viết dưới đây, Đông Lào sẽ giới thiệu chi tiết đến bạn đọc về con vật tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết này.
1. Thuồng luồng là con gì? Thuồng luồng có thật không?
Thuồng luồng có tên Hán Việt là Giao Long – là thuật ngữ mà dân gian dùng để chỉ một loài thủy quái dữ tợn, có sức mạnh, thuộc lớp bò sát, sở hữu kích thước lớn, thân mình dài, có chân và có thể nuốt chửng cả con người.
Vậy loài thủy quái trong truyền thuyết ấy thực chất là con vật nào trong tự nhiên?
Đây chính là điều thú vị về loài thuồng luồng mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này. Vì thực chất người ta chỉ truyền miệng với nhau về nó qua rất nhiều hình dạng khác nhau, chứ cũng chưa nhìn thấy trực tiếp ở ngoài đời thật.
Một giả thuyết có lẽ thuyết phục nhất cho rằng thuồng luồng chính là loài cá sấu khổng lồ thời kỳ cổ đại. Bởi trong các trang sách được ghi chép lại đã mô tả chúng có thân hình to lớn và dài, có bốn chân, đuôi và vảy trên lưng. Đặc biệt có tính nết rất hung dữ. Ngay cả ở Trung Quốc, một số tài liệu cổ cũng nhắc về thuồng luồng trên sông Dương Tử mà ngày nay chúng vẫn còn tồn tại, đó là loài cá sấu Dương Tử có kích thước cỡ đại.
2. Vài Câu Chuyện Dân Gian Về Con Thuồng Luồng
Từ xa xưa thì người dân vùng sông nước đã ít nhiều được nghe đến loài vật này qua những sự tích, truyền thuyết được kể lại. Thậm chí, chúng còn xuất hiện cả trong sử sách.
“Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết như sau: “Vua nói : người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.”
Giai thoại này được các nhà sử học cho rằng thuồng luồng đã có từ thời Hùng Vương. Và tục xăm mình của cư dân Việt cổ có khả năng là xuất phát từ nỗi sợ hãi loài vật này. Bởi thuồng luồng khi xưa luôn thể hiện sự tai quái, liên tục quấy phá khiến người dân khiếp sợ không thể làm ăn sinh sống. Tục lệ này được duy trì hơn 1000 năm, cho tới thời nhà Trần (1293 – 1314) khi mà thủy quân của nước ta đã trở nên hùng mạnh mới chấm dứt hoàn toàn.
Trước đó, dân Việt ta mang nỗi sợ thuồng luồng đến mức đồn thổi rằng chúng luôn rình rập bắt người để ăn thịt. Nhưng cũng có tiếng tốt về thuồng luồng khi người ta bảo nó chỉ bắt kẻ ác, còn người thiện lương tốt bụng thì chúng lại còn ban cho châu báu, của cải.
Không chỉ vậy, sử sách cũng có kể rằng, vua Lý Thánh Tông đã từng được báo mộng trong một giấc mơ, rằng ba năm sau đất nước Đại Việt sẽ bị giặc đánh chiếm. Lúc này, sẽ có một thủy thần đầu thai làm con để phò tá vua cha đánh giặc giữ nước, bảo vệ nhân dân được yên bình. Mà quả thật sau đó, nàng Nguyễn Thị Hạo vợ vua đã sinh ra một hoàng tử mà mang thai suốt 13 tháng ròng. Người con trai đó có thân hình to lớn, sau lưng xuất hiện 28 vết hằn trông giống như vảy rồng.
Vị hoàng tử được nhắc đến có tên là Hoàng Lang. Và đúng như giấc mơ thì giặc đã nổi lên và làm loạn ở phương Bắc. Hoàng Lang khi này bỗng dưng biến thành một thanh niên cao lớn, khôi ngô tuấn tú, xin vua cho 5000 quân đi đánh giặc. Sau khi chiến thắng khải hoàn trở về, vua cha có ý định nhường ngôi nhưng chàng đã từ chối và xin phép được trở về thủy quốc. Đến bờ Hồ Tây, Hoàng Lang tự nhiên biến thành một con thuồng luồng và biến mất dưới mặt hồ.
Một truyền thuyết khác lại có liên quan đến nhà giáo Chu Văn An. Chuyện kể rằng khi cụ mở trường dạy học tại quê nhà, có một thanh niên rất chăm chỉ đến lớp, lại rất thông minh sáng dạ nhưng hỏi đến thì lạ thay, không ai biết cậu ấy ở đâu. Mà cậu ấy cũng không chịu kể. Cụ rất tò mò nên cho người lén đi theo dõi, họ báo là cứ thấy cậu ấy đến vùng nước đầm Đại thì biến mất không còn người ở đó nữa. Cụ mới vỡ lẽ rằng cậu học trò ham học ấy chính là một thủy thần.
3. Một số hình ảnh giả tưởng về loài thuồng luồng
Tùy quan điểm của mỗi người về loài vật này mà có thể nghĩ rằng chúng có tồn tại thật hay không. Sau đây là một vài hình ảnh về con thuồng luồng mà chúng tôi sưu tầm được. Theo một cách thú vị, bạn đọc có thể sẽ nhận ra một trong số đó là hình bóng con thuồng luồng vẫn luôn tồn tại trong tâm trí của bản thân từ thủa ấu thơ.
Thuồng luồng là con gì và có thể tồn tại thật sự hay không là một bí ẩn mà trong nhận thức của mỗi người sẽ có những giải đáp riêng. Tạm không kể đến yếu tố nghiên cứu khoa học thì loài vật thủy quái khổng lồ này lại chính là một phần không thể thiếu trong truyền thuyết của tổ tiên ta, trong những giai thoại lịch sử hình thành và phát triển đất nước với tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, bền bỉ – một phẩm chất đáng quý của người Việt cổ.