Phụ nữ thời phong kiến tuy không được đi học nhưng vẫn luôn phải nằm lòng Tam tòng tứ đức bởi chỉ khi ấy thì người phụ nữ mới được coi là đã được giáo dục. Vậy thì Tam tòng Tứ đức là gì mà lại có thể dùng để đánh giá một người phụ nữ. Cùng Tinh Hoa Bắc Bộ tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Thuyết Tam tòng Tứ đức trong Nho giáo
Nho giáo được ra đời vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, đây là thời kỳ mà tình hình kinh tế và xã hội có nhiều biến động nhất trong lịch sử của Trung Quốc. Trước tình hình đó thì các nhà tư tưởng Nho giáo đã lý giải về các vấn đề xã hội và họ muốn tìm ra một phương pháp để đưa xã hội từ loạn lạc tới cảnh thịnh trị. Chính vì vậy mà có nhiều ý kiến đã cho rằng thực chất Nho giáo chính là đạo trị nước.
Nội dung về giáo dục đạo đức con người của Nho giáo tập trung ở các phạm trù rất cơ bản như Tam cương, Ngũ thường và Chính danh. Đối với những người phụ nữ thì nội dung giáo dục đạo đức được thể hiện thông qua thuyết Tam tòng, Tứ đức.
Nho giáo đã được truyền vào nước ta từ thời Bắc thuộc và đã được cải biến đi cho phù hợp với tính chất ôn hoà của người Việt. Trong quá trình tồn tại, các giai cấp phong kiến tại Việt Nam đã sử dụng Nho giáo như một công cụ để thiết lập sự ổn định và trật tự của xã hội đồng thời duy trì sự thống trị của các giai cấp cầm quyền. Trải qua những bước thăng trầm trong lịch sử, Nho giáo dần đã có chỗ đứng nhất định ở trong đời sống tư tưởng người Việt. Trong các nội dung về đạo đức của Nho giáo thì thuyết Tam tòng, Tứ đức chính là những quy phạm giáo dục đạo đức cơ bản dành cho những người phụ nữ. Tư tưởng này đã có ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến vai trò cũng như vị trí và cuộc sống của người phụ nữ Việt Nam thời xưa và cả thời hiện đại. Thuyết Tam tòng, Tứ đức cũng đã đóng góp những giá trị nhất định giúp tạo nên vẻ đẹp truyền thống của những người phụ nữ Việt Nam.
2. Tam Tòng Tứ Đức là gì?
Tam Tòng là gì?
Chữ “Tòng” trong tiếng Trung có nghĩa là nghe theo, thuận theo và làm theo. Tam tòng có nghĩa là chỉ ba điều mà người phụ nữ xưa bắt buộc phải nghe và làm theo đó là :
-
Tại gia tòng phụ
Con gái khi vẫn còn ở nhà thì phải nghe theo lời của cha mẹ. Trong xã hội xưa thì một người con gái ngoan ngoãn và muốn được mọi người đánh giá là con nhà có giáo dưỡng thì sẽ phải biết nghe lời bố mẹ và làm theo đúng những lời của bố mẹ mà chủ yếu là do người cha đề ra.
-
Xuất giá tòng phu
Con gái khi đã được ngả đi rồi thì luôn phải nhất nhất nghe theo chồng. Người phụ nữ trong gia đình phải có trách nhiệm vun vén và tạo dựng hạnh phúc cho gia đình đồng thời giúp chồng làm lên nghiệp lớn.
-
Phu tử tòng tử
Nếu như chồng đã qua đời thì người phụ nữ phải ở vậy nuôi con trưởng thành và các việc trọng đại thì sẽ đều do người con trai quyết định.
Tam tòng ở trong xã hội hiện đại ngày nay đã được hiểu theo một cách khái quát và rộng hơn. Là một người phụ nữ và cũng là một người con thì việc nghe theo lời bố mẹ là lẽ đúng nhưng việc nghe lời cũng nên đi kèm theo chính kiến của cá nhân. Khi đã lấy chồng thì dù là ngày xưa hay ngày nay thì người vợ vẫn luôn nên tôn trọng và dung hòa để bảo vệ hạnh phúc gia đình nhưng họ cũng phải là người được tôn trọng trong gia đình. Nếu chồng như qua đời thì người phụ nữ ngày nay cho dù có đi thêm bước nữa hay ở vậy nuôi con thì cũng vẫn nên là một điểm tựa vững chắc cho những đứa con của mình.
Tứ đức là gì?
Người phụ nữ ngày xưa có thể không được biết chữ nhưng 4 cụm từ về tứ đức thì luôn phải khắc cốt ghi tâm. Người phụ nữ nào mà có hội tụ được đủ 4 yếu tố này thì sẽ được mọi người đánh giá là một người phụ nữ tốt và có giáo dục tốt.
-
Công
Người xưa thường có câu: “Vợ chồng có khác biệt” cũng là để chỉ công việc của vợ và của chồng có sự khác biệt. “Nam chủ ngoại sự” là ý chỉ người chồng sẽ làm việc bên ngoài và nuôi dưỡng gia đình. “Nữ chủ nội sự” là ý chỉ người phụ nữ sẽ đảm nhiệm các công việc quản gia và phụng dưỡng cha mẹ chồng đồng thời giáo dục con cái. Trong đó các việc nữ công, gia chánh đều phải khéo léo. Với phụ nữ ngày xưa thì chủ yếu là các công việc như may, vá, thêu, dệt, bếp núc và buôn bán, tuy nhiên với một người phụ nữ giỏi thì sẽ có thêm cầm kỳ thi họa.
Đối với xã hội ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi việc gây dựng sự nghiệp lại vừa chăm sóc được gia đình cũng không phải là điều trái với tứ đức ngày xưa. Nhưng bởi vì người phụ nữ thường là người có tính âm và nhu mềm, nên mọi việc sẽ phải giữ được chừng mực và xử lý được tốt quan hệ giữa công việc và gia đình. Nếu như quá thiên về các công việc bên ngoài thì trong nhà sẽ thiếu đi một trụ cột và hôn nhân sẽ đến muộn hoặc là cuộc sống gia đình không được hòa thuận.
-
Dung
Người xưa thường giáo dục rất cẩn thận cho người con gái về cách ăn mặc. Phụ nữ trong cách ăn mặc phải giữ được sự trang nhã và đứng đắn đồng thời không làm mất đi đức hạnh của mình. Người phụ nữ thì bên ngoài không nên ăn diện quá mức và bên trong phải luôn chú trọng việc tu dưỡng đạo đức. Người xưa còn có quan niệm rằng, người phụ nữ thì phải có ngôn hành dịu dàng và dáng vẻ đoan trang cùng nội tâm ôn hòa thì mới là người phụ nữ đẹp.
-
Ngôn
Người phụ nữ luôn phải giữ cho giọng nói được dịu dàng ôn hòa, nói những lời hay ý đẹp và không nói lời bậy bạ hay hỗn hào, thô tục, phải biết khéo léo ứng đối. “Khéo léo” ở đây tức là khi nói phải biết suy xét xem lời nói có thỏa đáng hay không, có thích hợp hay không, không được dùng lời ác để làm tổn thương người khác và không được cướp lời người khác.
-
Hạnh
Đây cũng là tiêu chuẩn có vị trí quan trọng nhất trong các hành vi thường ngày của người phụ nữ. Một người phụ nữ nếu như có phẩm hạnh thì sẽ giáo dục được con cái trở thành những người có đạo đức trong xã hội. Hơn nữa, họ cũng sẽ giúp chồng đề cao được phẩm đức của bản thân và khiến cho gia đình được thịnh vượng. Người phụ nữ có phẩm đức phải biết thủ vững tiết tháo và giữ thân như ngọc, đối với hôn nhân trong gia đình thì phải một lòng một dạ còn đối với cha mẹ chồng thì phải khiêm cung hiếu lễ.
Có thể thấy rằng, “tứ đức” đối với một người phụ nữ hoàn toàn là một điều cần thiết và không có điểm nào là không tốt hay không phù hợp. Cho dù là ở thời xưa hay là thời nay, thì một người phụ nữ cũng nên giữ được “tứ đức” để trở thành người phụ nữ có giáo dưỡng và xinh đẹp.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng tam tòng tứ đức đối với một người phụ nữ là rất cần thiết. Dù là xã hội đã càng hiện đại và tam tòng tứ đức cũng không còn quá khắt khe như trước kia nhưng nó sẽ vẫn luôn có giá trị nhất định trong việc hình thành những nhân cách của người phụ nữ. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được Tam tòng tứ đức là gì và đã mang được nhiều kiến thức bổ ích đến cho các bạn.