Chính nhờ sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện Tân Phú Đông, sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ xã, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể từ xã đến ấp cùng với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn đã thúc đẩy phong trào nuôi thuỷ sản của xã phát triển mạnh, góp phần khai thác diện tích mặt nước ở địa phương một cách hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển, tại các vùng nuôi đã bộc lộ một số hạn chế nhất định làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân như: Mô hình nuôi tôm quảng canh và công nghiệp còn đan xen nhau trong cùng một khu vực nuôi; Các hộ nuôi nhỏ lẻ mà chưa thành lập được các tổ, đội sản xuất nên gây nhiều khó khăn trong công tác dập dịch bệnh làm ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi; Một số hộ còn chưa tuân thủ lịch thời vụ cũng các khuyến cáo kỹ thuật của ngành chuyên môn cũng là nguyên nhân lưu tồn, phát tán mầm bệnh trong vùng.
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chuyên môn cộng với sự nỗ lực vận động của các ban ngành đoàn thể từ ấp đến xã, huyện và sự đồng thuận của nhân dân, đến tháng 5 năm 2009 xã Phú Tân đã thành lập được 6 Tổ quản lý cộng đồng nuôi thuỷ sản (TQLCĐ) có 201 hộ với diện tích 309,3ha. Cụ thể: Tổ Nam Gò Công 17hộ/38,2ha; Tổ Kinh tế mới Bà Từ 50hộ/60ha; Tổ Rạch Đồn 22hộ/25,1ha; Tổ Kênh Tám Mẹo Bà Từ 12hộ/21ha; Tổ Kênh Tám Mẹo Pháo Đài 28hộ/73ha; Tổ Đường 30/4 có 72hộ/92ha. Các TQLCĐ đều có Qui ước quản lý vùng nuôi như: Qui định về bảo vệ môi trường vùng nuôi; Qui định về phòng tránh lây nhiễm bệnh, thực hiện an toàn vệ sinh cùng các qui định khác có liên quan như lịch thời vụ, bảo vệ trộm, thông tin kịp thời về dịch bệnh…
Trước mắt các TQLCĐ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật một cách kịp thời và đúng đối tượng, giúp công tác dập dịch và bảo vệ vùng nuôi tốt hơn. Ngoài ra còn tạo cho người dân ý thức sản xuất cộng đồng tốt hơn, bảo vệ cộng đồng cũng chính là bảo vệ mình. Tất cả các yếu tố trên đều nhằm vào mục tiêu là bảo vệ môi trường, bảo vệ vùng nuôi, giảm thiểu rủi ro cho người nuôi thuỷ sản trong vùng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân và thúc đẩy phong trào nuôi thuỷ sản ở địa phương phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên để đánh giá được hiệu quả hoạt động cũng như những lợi ích mà từng TQLCĐ mang lại cho người dân, trong thời gian tới đòi hỏi sự linh hoạt, nhạy bén trong điều hành của Ban quản lý từng TQLCĐ và sự quan tâm giúp đỡ của các ngành chuyên môn, đặc biệt là của các ban ngành đoàn thể và lãnh đạo địa phương.