FDA kiểm tra chưa đến 2% thủy sản NK vào Mỹ mặc dù tôm nuôi NK không đảm bảo chất lượng vẫn bị phát hiện cả ở cấp liên bang lẫn tiểu bang.
Nếu có hiệu lực, luật này quy định FDA tăng cường thanh tra tôm NK từ gần 2% lên 20% vào năm 2015, thắt chặt quy định về thực thi luật và các chế tài xử phạt, hạn chế NK thực phẩm có sử dụng lao động trẻ em.
Tuy nhiên dự thảo luật này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nhà NK thủy sản lớn và có nhiều hậu thuẫn cùng nhiều tổ chức thực phẩm quốc gia đại diện cho các nhà bán lẻ thủy sản đông lạnh.
Mỹ là mục tiêu lớn cho các hoạt động phi pháp do quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm lỏng lẻo và chế tài xử phạt còn quá nhẹ.
Ví dụ, Nhật Bản đã kiểm tra nghiêm ngặt chỉ tiêu dư lượng hóa chất cấm trong tôm Việt Nam, các nước EU tăng cường kiểm tra kháng sinh cấm trong tôm Ấn Độ và Bănglađet, trong khi FDA chưa có sự kiểm tra nghiêm ngặt như vậy đối với tôm NK từ các nước này.
John Williams, Giám đốc SSA cho biết những người sản xuất tôm ở Mỹ rất ủng hộ quan điểm của thượng nghị sỹ Landrieu đối với sản phẩm thủy sản NK không đảm bảo chất lượng. “Chúng tôi có nhiều tài liệu cho thấy các công ty bất chính sử dụng nhiều phương thức không minh bạch như trung chuyển và dán sai nhãn để “lách luật” của Mỹ”.
Theo SSA, việc sử dụng chiêu thức trung chuyển bất hợp pháp nhằm né tránh Luật An toàn thực phẩm và Thương mại của Mỹ hiện được áp dụng rộng rãi ở Malaixia và nhiều nước khác. Lượng hàng kém chất lượng được trung chuyển qua Malaixia ngày càng tăng. Năm 2005, Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Trung Quốc. Năm 2007, Mỹ đưa tôm và 4 sản phẩm thủy sản nuôi khác vào hệ thống cảnh báo hàng NK do phát hiện kháng sinh và hóa chất cấm trong 25% mẫu kiểm tra do FDA tiến hành trong giai đoạn từ ngày 01/10/2006 đến 31/05/2007. Sau khi Mỹ thực thi các biện pháp trên, NK tôm đông lạnh vào Trung Quốc giảm mạnh. Trong khi đó, XK tôm Trung Quốc sang Malaixia lại “bùng nổ”, từ trung bình 2,3 triệu pao/năm lên 66 triệu pao năm 2008. Kết quả là NK tôm đông lạnh “từ Malaixia” vào Mỹ tăng kỷ lục, từ mức trung bình 1,9 triệu pao/năm lên 66,2 triệu pao năm 2008.
SSA khẳng định vấn đề trung chuyển không chỉ giới hạn ở Malaixia hoặc ở sản phẩm tôm. Vì vậy, các nhà sản xuất thực phẩm nội địa đã hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm ra xuất xứ thực của các sản phẩm thực phẩm.
SSA hiện là thành viên của Liên minh Thực thi Thuế chống bán phá giá và Trợ cấp. (Intrafish)